SÂU VẼ BÙA TRÊN CÂY CÓ MÚI - Nông Nghiệp Hợp Nhất

0948.234.039

SÂU VẼ BÙA TRÊN CÂY CÓ MÚI

SÂU VẼ BÙA

  • Tên khoa học: Phyllocnistis citrella Stainton
  • Phân bố: Sâu xuất hiện nhiều ở các vùng trồng cam, quýt trên thế giới như Ấn Độ, Nepal, Nhật, Pakistan, Philippines, Trung Quốc, các vùng miền bắc Úc châu, Việt Nam.
  • Ký chủ: Loài sâu này chủ yếu gây hại trên nhóm cây Cam, Quýt, Chanh nhưng mức độ thiệt hại khác nhau tùy theo giống.
  1. Đặc điểm hình thái và sinh học
  • Bướm rất nhỏ, dài khoảng 2mm, sải cánh rộng từ 4-5 mm. Toàn thân có màu vàng nhạt, hơi có ảnh bạc. Cánh trước có dạng hình lá liễu, gốc cánh màu xám nhạt, phần còn lại màu trắng bạc hơi ngả vàng. Từ gốc cánh có hai vân dọc màu đen kéo dài đến giữa cánh. Khoảng 1/3 về phía đầu cánh có 1 vân xiên giống hình chữ Y.
  • Phần đầu cánh có rìa lông khá dài hình màu đen. Cánh sau rất hẹp, màu xám đen, 2 rìa lông bên ngoài rất dài màu xám nhạt. Thời gian sống của bướm kéo dài từ 4-5 ngày. Một bướm cái đẻ từ 40-50 trứng.

 

  • Trứng hình bầu dục dẹp, rất nhỏ, khoảng 0,2-0,3 mm. Trứng mới đẻ trong suốt, sắp nở có màu trắng đục hơi ngả vàng. Thời gian ủ trứng từ 2-7 ngày.
  • Sâu mới nở dài khoảng 0,5 mm, thân màu xanh nhạt, gần như trong suốt, đầu màu nâu. Sâu lớn đủ sức dài khoảng 4 mm, màu vàng xanh, cơ thể không còn trong suốt. Mình sâu dẹp, có 13 đốt, hai đầu thon nhỏ, chân ngực và chân bụng đều thoái hóa, đốt cuối có hình ống dài. Ở giai đoạn chuẩn bị nhộng, cơ thể sâu không còn dẹp mà chuyển sang dạng hình ống màu trắng ngả vàng đục. Sâu có 4 tuổi, phát triển trong thời gian từ 5-20 ngày tùy điều kiện ngoại cảnh.
  • Nhộng dài từ 2-3 mm, hai đầu thon nhỏ, lúc mới hình thành màu vàng nhạt, sau chuyển thành màu nâu vàng với một gai rất nhỏ trên đầu. Nhộng phát triển trong thời gian từ 7-15 ngày.
  1. Tập quán sinh sống và cách gây hại
  • Bướm ít bị thu hút bởi ánh sang đèn. Ban ngày bướm ẩn trốn trong tán lá cây, ban đêm bay ra hoạt động và đẻ trứng, mạnh nhất từ 19-21 giờ. Từ 12-15 giờ sau khi bắt cặp bướm cái bắt đầu đẻ trứng. Khoảng 85%  số trứng được đẻ trong vòng 2 ngày đầu. Trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá, trung bình 2-3 trứng trên một lá hay một chồi non. Phần lớn trứng tập trung hai bên gân chính. Bướm thích đẻ trứng ở những vườn cam, quýt dưới 4 năm tuổi.
  • Sâu mới nở đục ngay vào dưới biểu bì lá và tiếp tục đục ăn thành những đường ngoằn ngoèo như đường vẽ trên các lá bùa nên sâu có tên gọi là “sâu vẽ bùa”. Sâu sống trong đường đục và cạp ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục. Lớp biểu bì khi mới bị tách khỏi lớp nhu mô thường trong bóng, do đó rất dễ nhầm lẫn với vệt chất nhầy của ốc sên để lại trên mặt lá khi di chuyển. Sâu đục ăn tới đâu thường bài tiết phân đến đấy, nên vệt phân là một đường liên tục, giống như sợi chỉ chạy dài theo đường đục của sâu ở phía chính giữa. Phân sâu lúc đầu có màu xanh vàng, sau thành màu nâu sẫm. Đường đục kéo dài và lớn dần theo tuổi sâu. Đặc điểm của sâu này là đường đục của một con sâu ngoằn ngoèo khắp mặt lá nhưng không bao giờ cắt ngang hoặc nhập chung vào đường đục của những sâu khác sống trên cùng một lá. Sâu chỉ có thể sống được trong điều kiện ẩm độ không khí cao nhưng khi mưa to, gió lớn, lớp biểu bì trên đường đục bị rách sâu sẽ chết sau một thời gian ngắn. Khi lớn đủ sức sâu thường đục ra bìa phiến lá nhả tơ, dệt kén kéo bìa lá lại che kín tổ kén. Cũng có đôi lúc sâu hóa nhộng ngay giữa phiến lá nhưng vẫn có khả năng kéo cả phiến lá che tổ kén. Tổ kén sâu vẽ bùa có màu rỉ sắt. Sâu khi bướm vũ hóa thì vỏ nhộng thường nhô ra một phần ra ngoài tổ kén.
  • Lá bị sâu tấn công sẽ quăn queo làm hạn chế rất lớn sự quang hợp, chồi non ngừng tăng trưởng. Ngoài ảnh hưởng trên, những vết thương do sâu đục trên bề mặt lá hoặc chồi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn Xanthomonas campestris Citri phát triển mạnh, gây ra bệnh loét cho cây cam, sau cùng các chồi non sẽ bị hủy diệt.

Các lá cam, quýt hay chanh quăn queo, co rúm do sâu vẽ bùa tạo nên còn là nơi trú ẩn của nhiều loài sâu hại khác.

  1. Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số
  • Thức ăn: Giống cây có lá cứng, mật độ túi tinh dầu trên lá cao thường ít bị loài sâu này tấn công. Sâu thích các vườn ươm hay vườn cây dưới 4 năm tuổi.
  • Thời tiết: Nhiệt độ nóng và khô, các chồi non bị mất nước, sâu có thể bị hại đến 50%. Mưa nhiều đường đục bị rách, sâu bị chết nhiều.
  • Thiên địch: Ở giai đoạn sâu non và nhộng có thể bị Ong thuộc các họ Encyrtidae, Eulophidae ký sinh, đôi khi đến 70%. Thiên địch bắt mồi: Kiến vàng
  1. Biện pháp phòng trị
  • Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu. Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để tiêu diệt.
  • Vì sâu gây hại dưới biểu bì lá nên việc phòng trị tương đối khó. Nên phòng vào giai đoạn cây ra lá non như vào đầu mùa mưa hoặc sau khi bón phân, tưới nước. Có thể áp dụng thuốc sớm khi vừa mới có triệu chứng gây hại đầu tiên bằng các loại thuốc trừ sâu dạng nhũ dầu có tính thấm sâu; 7-10 ngày sau áp dụng lại nếu mật số lá bị hại còn cao.

 

 

Chat Zalo